Việc tôn lập Tấn_Điệu_công

Sau trận thắng tại Yển Lăng trước quân đội Sở, Tấn Lệ công muốn cho ngoại thích vào triều làm đại phu và bỏ bớt các đại phu đương nhiệm. Khi đó trong nước Tấn có lời đồn quan đại phu họ Khước có ý mượn quân Sở làm loạn nước Tấn để ủng hộ Tôn Chu lên ngôi. Do lời gièm pha của quan Trung quân Nguyên soái là Loan Thư, Lệ công bèn sai Khước Chí đi sứ thiên tử nhà Chu để thăm công tử Chu. Trong khi đó chính Loan Thư lại nói với công tử Chu nên gặp gỡ Khước Chí. Tấn Lệ công được tin, cho rằng Khước Chí có ý phản thật, bèn nuôi ý định giết Khước Chí.

Cuối năm 573 TCN, Tấn Lệ công sai anh vợ là Tư Đồng giết ba đại phu họ Khước và cho Tư Đồng lên làm đại phu. Loan ThưTuân Yển sợ cũng bị giết nên tìm cách giết hại Lệ công. Tháng 1 572 TCN, hai người nhân lúc nhà vua ra ngoài mà cho quân đến phục bắt, rồi ép nhà vua uống thuốc độc chết[5][11][12][13]. Theo khảo chứng của các nhà viết sử hiện đại, Kinh Xuân Thu biên niên theo lịch của Lỗ quốc, mà chánh nguyệt theo lịch của Lỗ là tháng 12 năm trước theo lịch Tấn quốc[14].

Cái chết của Tấn Lệ công dẫn đến một sự khủng hoảng thừa kế trong công thất nước Tấn. Loan ThưTuân Yển lấy việc nhà vua chết ở Tượng Lệ thị, bèn dâng thụy xấu là Lệ công. Loan Thư nói với các quan rằng người trong nước vẫn mến đức của vua Tương công thuở trước, nên quyết ý lập Tôn Chu. Sau đó họ sai Tuân OanhSĩ Phường đến Lạc Dương nghênh đón Tôn Chu về nước. Năm đó Chu được 14 tuổi[15]. Về đến đất Thanh Nguyên, Loan Thư, Tuân Yển cùng Phạm Mang, Hàn Quyết các khanh đại phu đều họp ở đấy để nghênh tiếp. Công tôn Chu bảo các quan rằng[15]:

Tôi đâu có mong được đến vị này. Hoặc là tự mệnh trời. Còn người thì muốn có một vua để ra lệnh. Nếu đã lập lên mà lại không theo lệnh thì lập làm gì. Các đại phu nếu muốn dùng tôi thì bây giờ nói ngay đi. Nếu không muốn thì bây giờ cũng nói ngay đi. Nếu biết cung kính theo mệnh vua, thì thần linh ban phúc.

Bọn Loan Thư kinh sợ, vâng vâng dạ dạ. Ngày Canh Ngọ tháng 2 ÂL, Chu Tử và các quan kí minh ước, sau đó ông vào thành tạm trú ở nhà Bá Tử Đồng. Ngày Tân Tị ra coi chầu ở Vũ cung, hạ lệnh đuổi 7 vị quan không phục theo vua mới[15]. Ngày Ất Dậu, Tôn Chu tức vị chư hầu, tức là Tấn Điệu công[3][16].

Mấy ngày sau khi lên ngôi, Điệu công xét đến tội giết Lệ công, truyền cho chém Di Dương NgũThanh Phí Khôi là những người tham gia vào binh biến, còn những bè cánh đều đuổi sang nước khác; Trình Hoạt (kẻ đưa thuốc độc cho Lệ công) bị phanh thây giữa chợ. Tuy nhiên đối với hai kẻ thủ ác là Loan ThưTuân Yển lại không hề đá động tới, tuy nhiên không lâu sau Loan Thư bị bệnh mà chết.

Từ sau khi Tấn Tương công qua đời đã gần 40 năm, nội bộ Tấn quốc liên tục bất hòa, tranh chấp lẫn nhau giữa các họ đại phu; dẫn đến sự kiện hai vua Linh, Lệ bị giết; các gia tộc Hồ, Bá, Tiên, Khước... lần lượt diệt môn, Triệu thị trung suy... Thời Lệ công, nước Tấn tuy khôi phục lại ngôi Bá chủ sau trận Yển Lăng, nhưng do dụng binh liên miên khiến ngân khố cạn kiệt. Điệu công sau khi tức vị, ra sức lập lại kỉ cương, tăng cường quyền lực cho công thất; đuổi những đại phu không có phẩm chất, thu dụng lại những con cháu của các quan từng có công giúp Tấn Văn công phục ngôi năm xưa. Nhiều người tài được Tấn Điệu công trọng dụng như Tuân Oanh, Ngụy Giáng, Tuân Yển, Ngụy Hiệt, Sĩ Phường, Phạm Mang, Triệu Vũ, Hàn Vô Kị, Tuân Gia... Ông còn hạ lệnh xuất lương thực cứu trợ cho nông dân gặp nạn đói, thi hành chính sách tiết kiệm, miễn giảm sưu thuế cho dân. Tiếp đó là thu nhận ý kiến của Ngụy Giáng, lệnh cho người trong nước từ quý tộc trở xuống phải khai báo của cải lên trên để dễ quản lý, đồng thời ra lệnh cấm khai thác những sản vật quý hiếm mà không được cho phép. Nhờ những chính sách đó, nước Tấn khôi phục lại nền kinh tế và chất lượng lao động[17][18].